Trong những năm gần đây, khái niệm Biophilia hay Biophilic design dần trở nên phổ biến trong giới kiến trúc - nội thất. Không phải tự nhiên mà phong cách kiến trúc này được hưởng ứng rộng rãi như vậy.
Thiên nhiên đóng vai trò quan trọng đối với cuộc sống con người là điều không ai có thể phủ nhận. Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, khiến con người ngày càng xa cách với tự nhiên, bó hẹp mình vào sau những khối bê tông, ánh sáng điện và không khí từ điều hòa. Nhận định được điều đó, các kiến trúc sư hiện đại đã xây dựng các hình thái kiến trúc mới, lấy mối liên kết giữa con người và thiên nhiên làm trọng tâm. Trải qua quá trình nghiên cứu, phát triển và hoàn thiện, Biophilic ra đời như một sự tổng hòa kỳ diệu giữa thiên nhiên - kiến trúc nội thất và con người.
Khởi nguồn từ Biophilia - cụm từ chỉ tình yêu, niềm yêu thích thiên nhiên trong tiếng Hy Lạp cổ. Khái niệm Biophilic được sử dụng để chỉ phong cách thiết kế có sự kết nối tối đa giữa thiên nhiên và kiến trúc nội thất. Ở đó, những yếu tố tự nhiên sẽ được sử dụng như chính một phần của ngôi nhà; tạo ra một không gian sống hỗ trợ tích cực lên thể chất và tinh thần của con người.
Các thiết kế theo phong cách Biophilic được chia thành 2 loại:
- Nature in the Space: Kết hợp các yếu tố tự nhiên trong thiết kế.
- Natural Analogues: Tái tạo hình dạng, mẫu, màu sắc và kết cấu tự nhiên.
Khi nhắc đến việc tăng cường kết nối tự nhiên thì việc có tầm nhìn hướng ra thiên nhiên là một yếu tố không thể không nhắc tới. Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng việc nhìn ngắm thiên nhiên sẽ giảm mức độ căng thẳng, cải thiện sự tập trung và tăng cường cảm giác hạnh phúc của con người. Để xóa nhòa sự ngăn cách của những bức tường, các kiến trúc sư thường áp dụng những phương pháp sau vào các thiết kế của mình:
Không chỉ thông qua thị giác, chúng ta có thể kết nối với thiên nhiên thông qua các giác quan khác: thính giác, xúc giác, khứu giác. Hiện nay ở Việt Nam, các spa làm đẹp đang áp dụng rất tốt hình thức này vào không gian của mình. Họ lựa chọn những hương thơm tinh dầu tự nhiên đặc trưng và bật những bản nhạc nền nhẹ nhàng của tự nhiên như: âm thanh của suối chảy, rừng núi, sóng vỗ,... Từ đó giúp khách hàng thư giãn tối đa khi sử dụng dịch vụ của họ. Đây là những cách khá đơn giản và bạn hoàn toàn có thể áp dụng cho ngôi nhà của mình.
Bên cạnh đó các kết cấu phong phú và dễ chịu của tự nhiên cũng mang lại trải nghiệm xúc giác sâu sắc cho con người. Chúng ta gần như rất quen thuộc với việc ốp gỗ, ốp đá tự nhiên trên các diện tường, trần và sàn nhà. Và thực tế cho thấy rằng, một ngôi nhà có sự xuất hiện của các loại vật liệu này mang đến một trải nghiệm không gian hoàn toàn khác biệt.
Một cách đơn giản và tiết kiệm chi phí hơn đó là sử dụng cây cối để trang trí nhà cửa. Những chậu cây xanh hay những lọ hoa màu sắc sẽ giúp ngôi nhà tràn ngập sức sống và hương vị của tự nhiên, khiến con người thư thái hơn rất nhiều.
Thế giới tự nhiên luôn biến động thông qua những làn gió mát, những khoảng trời nắng và những bóng mát của cây xanh...Trong nhà thì hơi khác. Không khí tù đọng hơn ở ngoài trời và nhiệt độ thường được kiểm soát qua hệ thống điều hòa không khí. Điều này không thực sự tốt cho sức khỏe con người.
Với các công trình ở Việt Nam để thích nghi với khí hậu nhiệt đới, các KTS tập trung vào lựa chọn vật liệu cách nhiệt, thông gió bằng cửa sổ, thông tầng, tạo dựng bóng mát xung quanh nhà bằng hệ thống cây xanh,...Và theo đó những “ngôi nhà biết thở”, nhà nhiều cửa sổ, nhà xanh xuất hiện ngày một nhiều… như một cách để mang con người đến gần với thiên nhiên hơn.
Việc gợi nhắc thiên nhiên qua các chi tiết trong thiết kế kiến trúc nội thất không phải là điều quá mới mẻ. Điều này có thể thấy thông qua việc, các chi tiết, họa tiết của thiên nhiên được sử dụng nhiều trong việc trang trí nhà cửa. Ví dụ như giấy dán tường, họa tiết chạm trổ, thảm trải sàn... Tuy nhiên với phong cách Biophilic thì điều này được thể hiện một cách rõ ràng hơn. Đơn cử như việc tạo dựng một kết cấu kiến trúc bắt nguồn từ một hình khối trong tự nhiên. Ví dụ như chiếc cầu thang được tạo hình xoắn ốc theo kết cấu của vỏ ốc anh vũ dưới đây:
Biophilic đặc biệt đề cao các yếu tố tự nhiên bản địa. Hình thức này tận dụng trực tiếp môi trường tự nhiên bản địa để làm một phần của ngôi nhà. Điều này được thể hiện rất rõ qua “kiệt tác Fallingwater của Frank Lloyd Wright”- một kiến trúc sư người Mỹ xuất chúng. Fallingwater là một ngôi nhà kết hợp hoàn hảo với môi trường xung quanh. Thác nước chảy dưới gầm ngôi nhà là hoàn toàn tự nhiên nhưng nó được kết hợp trong thiết kế tốt đến mức nhìn như thác nước bắt nguồn từ chính ngôi nhà!
Các khu đô thị ngày càng lớn hơn - thiên nhiên ngày càng có ít không gian hơn; cuộc sống của con người ngày càng bó hẹp trong không gian bị ngăn cách bởi những khối sắt đá và bê tông. Biophilic như một làn gió mát thổi vào tâm hồn mang đến những xúc cảm mạnh mẽ cho con người. Biophilic design nhìn vào thiên nhiên một cách toàn diện, từ quy hoạch không gian đến lựa chọn vật liệu. Nó tái tạo các yếu tố thiên nhiên trong không gian của ngôi nhà, mang lại lợi ích cho sức khỏe của con người.
Đây là những gì làm cho Biophilic không chỉ đẹp, mà còn hấp dẫn và đặc biệt là lành mạnh!
Đối với người Việt Nam, bếp là khu vực cực kỳ quan trọng, là nơi sẽ diễn ra những bữa cơm gia...
Xem chi tiếtHệ thống tủ bếp là một phần không thể thiếu của phòng ăn. Nó có vai trò rất quan trọng trong việc...
Xem chi tiết Có nhiều phương án được đưa ra để giải quyết bài toán: đưa cây xanh vào nhà phố....
Xem chi tiết